Vua Lý Nhân Tông mất vào ngày Đinh Mão tháng chạp năm Đinh Mùi tức 15 tháng giêng năm 1128 không có người kế tự. Ngày Ất Dậu (2.2.1128) triều thần lập con nuôi của ngài là Dương Hoán lên ngôi. Dương Hoán là con Hoàng đệ Sùng Hiền Hầu sinh năm Bính Thân (1116) thông minh, tuấn tú trước đã được vua Nhân tông đem vào cung làm con nuôi. Tháng 10 năm Đinh Dậu (1117) Dương Hoán được sách lập làm hoàng tử; và lên ngôi năm đó mới 11 tuổi.

Lý Thần Tông (1128 – 1138) Nhà Lý

 

Năm Ất Dậu vua Thần Tông ngự tại điện Thiên An coi chầu rồi xuống chiếu cho quần thần trừ phục (bỏ khăn tang) và dự vào việc cung nữ lên hỏa đàn tuẫn tang theo vua Nhân Tông. (Xét việc Dương Hậu và 72 cung nhân chết theo Lý Thánh Tông có người cho rằng ta đã theo phong tục Tàu và cả phong tục Ấn Độ, Mã Lai (Indonésien) nữa. Xưa Tần Mục Công chết vào thế kỷ thứ 13 trước C.L. ba con của họ Tử Xa phải chết theo; Tần Thủy Hoàng chết, phong tục này cũng được thi hành, ở nước ta có lẽ việc tuẫn tang các vợ vua và cung nhân chỉ thi hành ở dưới triều Lý Thánh tông và Thần Tông mà thôi, bởi sau này không thấy phong tục đó được liên tiếp áp dụng)

Mồng một tháng giêng năm Mậu Thân 1128, vua Thần Tông đổi niên hiệu là Thiên Thuận, đại xá thiên hạ, trả lại ruộng đất cho dân đã bị lấy làm công điền. Những người bị tịch thâu làm điền nhi được về hết. Sáu quân được thay phiên về làm ruộng, lại có việc ngự kinh diên tức là vua học.

Cùng năm ấy (1128) Thần Tông thả những tội nhân ở phủ Đô Hộ từ tội biếm (đi đày, bị giáng) tội truất (cũng như bị giáng) trở xuống 130 người (Khâm Định Việt Sử quyền 4, tờ 21 a).

Năm sau là năm thứ hai hiệu Thiên Thuận (1129) trời đại hạn vua đích thân cầu đảo không nghiệm. Sau vua xuống chiếu tha những tội nhân vì e có việc oan, lạm trong thiên hạ. Đầu tháng tư được mưa.

Tháng 9 năm sau lại mưa quá nhiều. Nhà vua lại thả tất cả tù ở phủ Đô Hộ cũng do ý làm việc ân đức để tránh thiên tai cho nhân dân.

Tháng 10 năm thứ 3 hiệu Thiên Thuận (Canh Tuất 1130) sứ nhà Tống sang phong vua Thần Tông làm Giao Chỉ Quận Vương. Hai năm sau sứ Tàu lại sang gia phong cho Thần Tông làm Nam Bình Vương.

Tháng giêng năm thứ nhất hiệu Thiên Thuận (1128) ngày Giáp Dần nước Chân Lạp (Cao Miên) đem 2 vạn binh vào cướp ở bộ Ba Đậu, châu Nghệ An. Vua phái Nhập Nội Thái phó là Lý Công Bình đem tướng sĩ và người Nghệ An đi đánh. Ngày Quí Hợi tháng hai, Lý Công Bình thắng trận bắt được chủ súy và sĩ tốt Chân Lạp. Tháng ba Lý Công Bình đem quân về kinh và dâng nộp 169 tù binh.

Tháng 8 cùng năm, người Chân Lạp lại vào cướp phá ở làng Đỗ Gia, châu Nghệ An có hơn 700 chiến thuyền. Nguyễn Hà Viêm ở phủ Thanh Hóa và Dương Ổ ở châu Nghệ An được lệnh đi đánh, Chân Lạp lại thua.

Tháng 3 năm thứ ba hiệu Thiên Thuận, Chiêm Thành cử Ung Ma, Ung Câu đến xin nội phụ. Tháng 8 năm thứ 5 hiệu Thiên Thuận (1132) Chân Lạp và Chiêm Thành vào cướp châu Nghệ An.

Thần Tông cho Dương Anh Nhị làm Thái úy đem quân Thanh Nghệ đi tiểu trừ được đắc thắng. Sau đó Chân Lạp và Chiêm Thành đều lại cống. Hai năm sau Chân Lạp lại đến cướp châu Nghệ An. Lý Công Bình lại đánh dẹp được.

Vua Thần Tông ở ngôi được 10 năm thì qua đời thọ 23 tuổi.

 

Rate this post

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here