Chiêu Thánh Công Chúa lên ngôi, tức là Lý Chiêu Hoàng. Quyền hành của nhà Lý giờ phút này nằm gọn trong tay Trần Thủ Độ, vì Huệ Tông bị gặt hẳn ra ngoài chính quyền. Chiêu Hoàng là gái thơ ngây bấy giờ không còn là điều đáng kể cho thời cuộc nữa.

Chương trình đem họ Trần thay họ Lý đã thi hành được một phần quan trọng; nay chỉ còn lấy hẳn cái ngai vàng của họ Lý là xong. Thủ Độ vốn đã tư thông với Thái Hậu Trần Thị liền bày cách cho con các quan vào cung hầu Chiêu Hoàng. Đó là dịp mở lối cho Trần Cảnh là con Trần Thừa vào nội điện làm chức Chính Thủ, một vị quan mới lên 8 tuổi, nhỏ nhất triều đình bấy giờ. Trần Hậu làm nội công nên Thủ Độ tính đến đâu xong đến đó.
Tháng Chạp năm Ất Dậu (1225) Trần Hậu và Thủ Độ đứng ra làm chủ hôn cho Chiêu Hoàng lấy Trần
Cảnh, rồi chiếu hạ giá do tay Thủ Độ ban bố ra.
Ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu (1225) Trần Cảnh lên ngôi sau khi bản tuyên ngôn của hoàng triều bay ra khắp thiên hạ. Các quan lớn nhỏ đều tỏlòng công phẫn nhưng vì thế lực họ Trần quá mạnh nên họ đành thúc thủ.
Quần chúng lưu luyến tiền triều trong dịp này có lời khẩu chiếm dưới đây:
Trống chùa ai đánh thùng thùng
Của chung ai khéo vẫy vùng nên riêng.
Kết Nhà Lý
Nhà Lý cầm vận mệnh dân tộc Việt Nam trong 216 năm nối tiếp nhau 9 đời, sự nghiệp đáng kể là vĩ đại. Từ Khúc Hạo dấy nghiệp đến Dương Đình Nghệ, Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, nền tự chủ của dân tộc Việt Nam mới thành hình nên mọi quy mô chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa còn phôi thai, ấu trĩ. Nhưng đến Lý triều đời sống của dân tộc ta bành trướng mỗi ngày một mạnh. Nền tảng đã vững chắc, các vương triều sau đã thúc đẩy dân tộc đi khá xa trên con đường tiến hóa. Chúng tôi xin kể đây những công việc mở mang Phật Giáo và văn hóa của Lý triều để các bạn đọc có một ý niệm tổng quát về một giai đoạn trưởng thành của nước nhà trước đây ngót 10 thế kỷ.

A) Ai ai cũng hiểu rằng Lý Thái Tổ xuất thân ở chốn khói hương, rồi từ chỗ Phật Đài Ngài bước lên sân khấu chính trị. Việc trước nhất của Ngài là mở mang và đặc biệt ưu đãi đạo Phật. Ngài bỏ ra 2 vạn quan tiền để dựng 8 ngôi chùa ở phủ Thiên Đức thuộc tỉnh Bắc Ninh, là trú quán xưa kia của Ngài. Trong và ngoài thành Thăng Long lần lượt nổi lên 9 ngôi chùa (trong 2 ngoài 7) không kể là chùa Chân giáo mà Ngài thường mời sư đến tụng niệm. Ngài phái Nguyễn Đạo Thành sang Tống xin kinh Tam Tạng. Ngài lại đặt phục sắc cho tăng đạo, độ cho chư tăng trong nước. Các triều đại sau vẫn tiếp tục việc tôn sùng Phật Giáo.

Vua Thái Tông cho lập chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột) ở thôn Thanh Hảo. Chùa này theo một lối kiến trúc đặc biệt là xây trên một chiếc cột lớn ở giữa một chiếc hồ nhỏ luôn luôn có nước bên cạnh sở Canh Nông và vường Bách Thảo Hà Nội. Nhưng chùa này đã bị phá hủy trước việc thay đổi chính quyền tại Bắc Việt cuối năm 1954.
Vua Thánh Tông xây tháp Bảo Thiên cao 12 tầng, tốn 12000 cân đồng để đúc một chiếc chuông lớn
(Hồng Chung).
Vua Nhân Tông lại xúc tiến phong trào Phật Giáo mạnh hơn nữa. Ngài đã cho dựng riêng về phần Ngài hơn 100 ngôi chùa khắp trong nước, ở những nơi danh lam thắng cảnh, và chia làm ba hạng đại, trung, tiểu. Ngài cho đất ruộng tam bảo để nuôi sư, lấy hoa lợi cung ứng vào việc đèn nhang. Ngài phong cho ông Khô Đầu là một vị cao tăng đời bấy giờ chức Quốc Sư. Mỗi khi có việc quan hệ, Ngài thường lui tới để bàn hỏi.
Xem trên đây chúng ta cảm thấy hai nhà Đinh, Lê mới chỉ có nghiêng về Thích Đạo, nhưng với Lý triều không khí Phật Giáo đã tràn ngập từ cung điện ra tới dân dã. Rồi cái không khí thiền môn lan cả vào khu vực văn học nữa.
Vua Nhân Tông đặt ra phép thi tam trường để kén những người minh kinh, bác học. Những ai là nho sĩ đều phải nghiên cứu và đi sâu vào Phật học trước khi bước ra hoạn lộ.

Năm 1070 vua Thánh Tông đã lập Văn Miếu ở thành Thăng Long (tức Giám ở bên thành Hà Nội bây giờ) để thờ đức Khổng Tử và các tiên hiền, vì nhà vua, ngoài Phật Giáo cũng rất tôn sùng Nho Giáo. Tất nhiên về thuở đó, ai đã lo khai hóa dân trí đều phải mở mang, cổ động cho Nho Giáo là căn bản của nền
văn học bấy giờ. Phật Giáo và Nho Giáo dần dần đã chen vai thích cánh với nhau. Lão Giáo cũng xuất hiện và giành phần ảnh hưởng cho nên đến năm 1311 dưới trời việt Nam, Nho – Phật – Lão đã thành thế “ba chân vạc” nhưng không có sự xung đột giữa các giáo thuyết này. Điều kể trên đã được minh chứng cho chương trình khoa cử dưới đời vua Lý Anh Tông. Ngay từ bấy giờ, người ta đã gọi là thi tam giáo, nghĩa là những nhân tài của ba giới đều được bản triều trọng dụng ngang nhau (đến đời Lê Thánh Tông thì Nho
Giáo có ảnh hưởng nhiều hơn cả, và Phật, Lão dường như đã đứng ngừng lại).
Văn học đời Lý đến đời vua Thái Tông nhập cảng được một thứ mới lạ. Đó là môn ca và điệu múa Chiêm Thành. Nguyên năm 1044 vua Lý Thái Tông đi đánh Chiêm Thành thắng trận trở về đem được một số cung nhân Chiêm là những kỹ nữ chuyên ca điệu Tây Thiên Khúc. Các cung nhân Việt Nam ít lâu sau cũng được học tập điệu múa và lời ca đó.
Tháng 8 năm Chương Thánh Gia Khánh (1060) vua Lý Thánh Tông cho truyền bá khúc nhạc và âm điệu theo nhịp gõ, nhịp trống của Chiêm Thành cho nhạc công hát theo.
Với thời gian khúc ca Chiêm Thành bị Việt hóa tuy vẫn đứng riêng một lối, giữ nguyên vẹn bản sắc. Năm Trinh Phù thứ 17 (1193) Lý Cao Tông sai nhạc công chế khúc nhạc gọi là Chiêm Thành Âm. Đến nay lời ca thế nào không thấy có ghi chép chỉ thấy sử nói rằng khúc nhạc này ai oán, não nùng, khiến người nghe phải ngậm ngùi sa lệ. Điệu Nam Ai, Nam Bình mà người Huế của chúng ta hay ca có lẽ đã thoát thai ở khúc nhạc Chiêm Thành. [1]
Những tác phẩm văn học dưới Lý Triều cũng sản xuất khá nhiều. Năm 1027 đời Lý Thái Tổ năm thứ
17 có soạn được cuốn “Hoàng Triều Ngọc Điệp” là một bộ sách chép các mệnh lệnh, từ cáo và niên phả của hoàng gia.
Năm 1412 vua Lý Thánh Tông sai quan Trung Thư lựa theo thời thế và dân trí đặt ra bộ “Hình Thư”
chia ra từng môn, từng loại, từng điều và từng khoản.
Khoảng năm Thiên Thành (1028 – 1033) đời Lý Thái Tông có cuốn “Bí Thư” định rõ các thẻ lệ truất trác trong ngạch quan lại.
Năm 1148 vua Lý Anh Tông muốn biết dân tình đau khổ thế nào và đường lối gần xa trong nước bèn đi tuần thủy bộ rồi cho vẽ thế núi, sông, đồng, bãi, ghi chép phong cảnh và phẩm vật. Vì vậy có cuốn “Nam Bắc phiên giới địa đồ” ra đời, và việc trị dân cũng canh cải được nhiều điều đáng kể.
Ngoài các cuốn sách trên đây ta còn thấy những bài minh ký, khắc vào chuông đồng, bia đá rất mạnh mẽ, cứng cáp.
B) Về Việt văn không thấy sử sách ghi chép gì, nhưng đã thấy lối ca trù phôi thai từ đời nhà Lý.
Tháng 8 năm Thuận Thiên thứ 16 đời Lý Thái Tổ (1025) con nhà xướng ca gọi là quản giáp, sau này kêu là đào nương, do đó một cô gái họ Đào đã nổi danh thuở đó. Như vậy ta có thể chắc rằng lối hái Ả đào xuất hiện từ triều Lý và bái hát đã do các văn nhân đời bấy giờ đặt ra để tiêu khiển một cách thanh tao. Tiếc rằng những bài hát Ả đào đến nay cũng thất tán, ta không còn để làm sử liệu. Thêm vào lối hát Ả đào có lối
văn “lục bát và lục bát gián thất” cũng là một đặc điểm của văn chương Việt Nam.
Bấy giờ lại xuất hiện cả những câu ca dao. Đại khái mấy câu dưới đây được người ta coi thuộc về triều
“Đem chuông đi đánh nước người
Chẳng kêu cũng đánh vài hồi lấy danh”
Là câu khen Lý Thường Kiệt đem quân đánh ba châu Khâm, Liêm, Ung của Tàu. “Mở mang [2], mang chạy lên rừng,
Ta hay mang chạy ra đừng mở mang”
Câu này có ý chế nhạo Lý Thái Tông thả Nùng Trí Cao về rừng. Ngoài ra quốc văn đời Lý không thấy chiếu thêm ánh sáng nào nữa. Phải chăng vì thuở đó người ta mê say đạo Phật, nên chỉ nghiên cứu các môn cao thâm, huyền diệu của ngoại giới mà thôi?

Đến đời vua Lý Thái Tông lối hát xướng dần dần thịnh hành. Năm Kiến Phù Hữu Đạo thứ 3 (1041), 100 người nhạc kỹ được tuyển vào cung đủ rõ bấy giờ đã có nhiều người làm nghề xướng ca.
Và nghề hát xướng bấy giờ tuy chẳng là động lực chính của quốc văn nhưng ít nhất nó cũng đã dọn đường cho lối thi, phú, nôm từ đời Trần đến các triều đại sau này.
Để kết luận chúng ta có thể công nhận vào đời Lý văn học bắt đầu khả quan. Tính cách văn chương bấy giờ có vẻ điềm đạm, ung dung, phúng khoáng và hùng mạnh do ảnh hưởng một thời gian độc lập khá dài và cũng do nhiều giai đoạn thắng cường lân, bại ngoại địch. Thêm vào đó là cái không khí thiền môn bởi Phật giáo phát đạt nhất, Nho Giáo và thi cử chưa thịnh. Có điều đáng chú ý là các nhà văn học thường là những vị cao tăng hoặc bị ảnh hưởng của Phật Giáo nên ưu đứng ngoài vòng gió bụi. Tóm lại văn học đời Lý đượm hai màu sắc: màu sắc quốc gia và màu sắc Phật Giáo. Thật là một trạng thái hết sức đặc biệt.
Chú thích:
[1] Theo ý chúng tôi, khúc ca Chiêm Thành đầy ai oán là vì mối hờn bại trận nhiều phen với người
Việt và trước đây với người Hán.
[2] Mang là con hươu, con hoãng